Thursday, December 29, 2011

Thuế chuyển quyền sử dụng đất

[Tư vấn cấp phép xây dựng] - Hiện tại có muôn vàn loại thuế phải đóng. Trong những bài sưu tầm tiếp theo sẽ gửi đến các bạn những loại thuế phổ biến một công dân thường phải hoàn thành.


1/ Thuế chuyển quyền sử dụng đất là gì? ai phải nộp và ai không phải nộp?
Thuế chuyển quyền sử dụng đất là khoản thu phát sinh khi chuyển quyền sử dụng đất từ người này sang người khác đều phải nộp loại thuế này.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp không phải nộp thuế khi chuyển quyền sử dụng đất, cụ thể là:
- Chuyển quyền sử dụng đất trong trường hợp ly hôn, thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật.
- Chuyển quyền sử dụng đất giữa vợ với chồng, cha mẹ với con, giữa ông bà với cháu, giữa anh chị em ruột với nhau.
- Nhà nước bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cùng với chuyển quyền sử dụng đất cho người mua nhà.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất sử dụng theo quy định của pháp luật.
2/ Cách tính thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào? bên nào phải nộp thuế? Tiền nộp = (Diện tích đất) X (Giá đất) X (thuế suất)
- Diện tích đất được tính bằng m2.
- Giá đất để tính tiền sử dụng đất do UBND tỉnh, Thành phố quy định, ở TPHCM  áp dụng theo bảng giá đất mới nhất.
- Thuế suất là 2% đối với đất sản xuất nông, lâm nghiệp. 4% đối với đất ở, đất xây dựng công trình và các loại đất khác.

3/ Ai được miễn, giảm thuế chuyển quyền sử dụng đất?
 - Những trường hợp được miễn thuế: Bà mẹ VN anh hùng, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đến định cư tại các vùng kinh tế mới, người sử dụng đất chuyển đổi cho nhau để sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
 - Những trường hợp được giảm 50%: Cá nhân thương binh hạng 1/4, hạng 2/4, bệnh binh hạng 1/3, hạng 2/3,thân nhân của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người tàn tật không còn khả năng lao động, người chưa đến tuổi thành niên và người già cô đơn không nơi nương

Monday, December 26, 2011

Thủ tục mua bán nhà

[Tư vấn cấp phép xây dựng] - Khi muốn mua, bán một căn nhà bạn cần chuẩn bị gì, thủ tục như thế nào, quy trình làm việc ra sao? Bài sưu tầm sau sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề. 


1/ Muốn mua bán nhà một cách hợp lệ cần phải có những loại giấy tờ gì?
- Để làm thủ tục mua bán nhà hợp lệ, thì phải có giấy tờ chủ quyền nhà hợp lệ, giấy tờ nhà có thể là "giấy hồng" hoặc các loại giấy phép, giấy công nhận sở hữu...
- Ngoài giấy tờ chủ quyền nhà, bên bán còn phải có bản sao bản vẽ hiện trạng nhà, đất, giấy chứng minh nhân dân. Bên mua chỉ cần xuất trình và nộp bản sao giấy chứng minh nhân dân.

Các bước tiến hành mua bán:
Bước 1: Đến phòng công chứng (nếu căn nhà mua bán ở nội thành) Hoặc đến UBND huyện (nếu căn nhà mua bán ở ngoại thành) Lập hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng có thể tự soạn thảo hay nhờ cơ quan công chứng soạn thảo giúp.
Bước 2: Nộp toàn bộ hồ sơ mua bán nhà (bản sao) và hợp đồng mua bán nhà đã công chứng tại phòng thuế trước bạ và thu khác (đối với các quận nội thành) hoặc chi cục thuế (đối với các huyện).
Bên bán sẽ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất (4% trị giá đất theo bản giá UBND TP ban hành). Bên mua nộp lệ phí trước bạ (1% trị giá nhà và đất tính theo giá ghi trên hợp đồng)
Bước 3: Người mua đến phòng Đăng bộ sở địa chính nhà đất nộp toàn bộ hồ sơ nhà, hợp đồng mua bán, biên lai trước bạ. Sở địa chính nhà đất sẽ đăng ký sự thay đổi chủ sở hữu căn nhà để người mua nhà đứng tên chủ quyền nhà.
2/ Những vướng mắc thường gặp khi làm thủ tục mua bán nhà?
- Bản vẽ hiện trạng nhà đất: Nếu nhà đất đã có bản vẽ hiện trạng cũ và nhà không thay đổi hiện trạng thì không phải vẽ lại hiện trạng, nên đến phòng quản lý đô thị để kiểm tra lại hiện trạng cũng như quy hoạch trên bản vẽ.
- Nhà có diện tích lớn hơn diện tích ghi trong chủ quyền thì sau khi làm thủ tục mua bán, bên mua phải làm thủ tục hợp thức hóa phần ngoài chủ quyền đó thì toàn bộ căn nhà mới được coi là có chủ quyền hợp pháp.
- Nhiều nhà chung khuôn viên đất, có lối đi chung: Khi mua nhà phải có hợp đồng cụ thể về lối đi chung hoặc tách đất thành lối đi riêng.
- Nếu nhà có xây dựng, sửa chữa thay đổi kiến trúc thì phải kèm theo giấy phép xây dựng mới hợp lệ.

Friday, December 23, 2011

Không cấp phép xây dựng đất dưới 30m2 ở mặt phố lớn

[Tư vấn cấp phép xây dựng] - Nhà nhỏ là đặc điểm chung của đa phần nhà ở nước ta. Tuy nhiên về thẩm mỹ vẫn giữ mỹ quan chung. Do vậy sẽ không cấp phép cho nhà dưới 30m2 ở mặt phố lớn. Đây là một trong những nội dung của dự thảo Quy định quản lý kiến trúc các công trình nhà ở liền kề, nhà ở riêng lẻ xây dựng hai bên tuyến đường đô thị mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa hoàn thàn.

Không cấp phép xây dựng đất dưới 30m2 ở mặt phố lớn? (ảnh minh họa)
 
Theo Dự thảo này, đất có diện tích dưới 30m2 ở mặt phố lớn sẽ không được cấp phép xây dựng. Các công trình nhà ở liền kề, nhà ở riêng lẻ nằm hai bên tuyến đường đô thị có mặt cắt đường từ 7m trở lên, nếu có diện tích từ 30m2 trở lên và bề rộng hơn 3m thì đủ điều kiện xây dựng.
Quy định trên không điều chỉnh các khu đô thị mới, khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tuyến đường đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường và một số đối tượng khác như: nhà ở chung cư, công trình công cộng, trụ sở cơ quan...
Đối với chiều cao các công trình nằm trong khu vực đặc thù như khu Trung tâm chính trị Ba Đình, phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm và phụ cận, khu vực ven hồ Tây, ven thành cổ Sơn Tây, thành cổ Cổ Loa... sẽ được xem xét theo quy chế riêng.
LH

Wednesday, December 21, 2011

Lợi hay hại - góp vốn mua chung cư

[Tư vấn cấp phép xây dựng] - Người tiêu dùng trên bề mặt được trân trọng và đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên trên thực tế đôi khi không phải vậy. Vì thế, trước khi dốc hầu bao cho một món hàng hay dịch vụ nào cần phải cân nhắc và tìm hiểu kỷ lưỡng. 
Khách hàng mua nhà theo dạng hợp đồng góp vốn thì tính rủi ro cao hơn các hình thức khác rất nhiều vì các chủ đầu tư tìm mọi cách để lách luật, trốn tránh thực hiện những nghĩa vụ của mình với khách hàng.


Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sau đây xin gọi tắt là Nghị định 71) quy định, khi dự án đã hoàn thành xong phần móng thì chủ đầu tư được phép huy động vốn bằng hình thức hợp đồng góp vốn với khách hàng. Hình thức huy động vốn này có thêm những quy định chặt chẽ dành cho phía chủ đầu tư để thực hiện nghĩa vụ của mình với người mua nhà nhưng trong thực tế hầu hết người mua nhà lại không được biết. Điều này sẽ khiến cho việc xin làm giấy chứng nhận quyền sở hữu của người mua nhà sau này gặp nhiều rắc rối, thậm chí có nguy cơ không được làm sổ đỏ...

Với hình thức mua nhà dưới dạng hợp đồng góp vốn, Nghị định 71 quy định chủ đầu tư được phép ký hợp đồng huy động vốn không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án mà không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản khi dự án đã hoàn thành xong phần móng.

Quy định cũng buộc chủ đầu tư, nếu tổ chức việc huy động vốn theo hình thức này thì phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng tỉnh, thành phố, nơi phát triển dự án, chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi công bố bán nhà, đồng thời phải báo rõ hình thức và số vốn cần huy động, địa chỉ của nhà đầu tư, số lượng nhà sẽ bán. Chỉ khi chủ đầu tư làm đầy đủ các thủ tục đó, sau này những người đã góp vốn trong giai đoạn đầu ở diện 20% không thông qua sàn đó mới được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Những điều kiện bắt buộc này nhằm làm cho thị trường bất động sản minh bạch hơn, tuy vậy, nhiều chủ đầu tư vì lợi nhuận hoặc vì lý do khác đã phớt lờ các quy định. Và đương nhiên, người góp vốn mua nhà sẽ phải lãnh đủ. Họ sẽ không thể làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu vì… vi phạm quy định.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, từ tháng 10/2010 đến nay, Sở Xây dựng mới chỉ nhận được 10 danh sách và cũng mới xác minh được 2 danh sách, trong khi tổng số dự án lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội là con số khổng lồ. Như vậy, chủ đầu tư đã cố tình lờ đi nghĩa vụ của mình đối với khách hàng khi đã thu tiền nhưng không nộp danh sách lên để Sở Xây dựng kiểm tra theo quy định.

Nguyên nhân thì không khó để hiểu, bởi nếu có danh sách đó thì chủ đầu tư sẽ bị kiểm soát, không thể bán quá số lượng 20%, hoặc bán toàn bộ khi dự án mới chỉ vừa hoàn thành xong phần móng. Hậu quả của câu chuyện này là những người góp vốn mua nhà trong diện 20% không thông qua sàn sẽ không đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ. Với các dự án trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay thì số lượng khách hàng chịu thiệt thòi chắc chắn cũng không phải là ít.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ cho biết, khách hàng mua nhà theo dạng hợp đồng góp vốn thì tính rủi ro cao hơn các hình thức khác rất nhiều vì các chủ đầu tư tìm mọi cách để lách luật, trốn tránh thực hiện những nghĩa vụ của mình với khách hàng. Văn phòng luật sư Phúc Thọ cũng đã từng phải tham gia bảo vệ quyền lợi cho nhiều khách hàng với những trường hợp tương tự. Khi ký kết hợp đồng khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư bắt buộc phải thực hiện theo hợp đồng đã ký và thực hiện đúng lộ trình cấp sổ đỏ. Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng các cam kết và theo đúng lộ trình thì có thể đưa vấn đề ra toà án để giải quyết.

Bên cạnh đó, trước khi ký kết, khách hàng cũng cần phải chú ý xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng bởi thực tế qua những vụ việc cụ thể mà luật sư đã gặp thì trong các hợp đồng này, trách nhiệm của khách hàng thì nhiều, còn đối với chủ đầu tư thì ngược lại. Khi khách hàng thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình qua các đợt nộp tiền cũng cần phải yêu cầu chủ đầu tư cho xem xét tiến độ thực hiện dự án, rồi cơ sở hạ tầng như: đường xá, điện, nước… ví dụ như đợt 1 đóng 30% giá trị hợp đồng thì dự án thực hiện đến đâu, đợt 2 đóng 35% giá trị hợp đồng thì tiến độ dự án ở giai đoạn nào. Khách hàng cần chủ động yêu cầu chủ đầu tư, đồng thời chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm cho người mua nhà biết mọi vấn đề liên quan đến tiến độ thực hiện dự án.

Thêm nữa, người mua nhà cũng cần phải "chọn mặt gửi vàng" với các chủ đầu tư có uy tín vì thời gian qua đã xảy ra rất nhiều những vụ lừa đảo, những chủ đầu tư làm ăn không đúng theo các quy định của pháp luật.

Bên cạnh những hợp đồng mua nhà theo hình thức góp vốn có nguy cơ không được cấp sổ đỏ hiện này là tình trạng rất nhiều chung cư mini cũng khó có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, và số lượng chung cư mini này cũng không nhỏ. Yêu cầu bắt buộc với chung cư mini là phải có giấy phép xây dựng đảm bảo nhiều yếu tố như quy hoạch của khu vực, phương thức phòng cháy chữa cháy, cầu thang thoát hiểm, phải nộp thuế và các lệ phí kinh doanh…

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đột xuất tại 16 xã, phường thuộc 11 quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội của đoàn kiểm tra liên ngành trong tháng 5/2011 vừa qua thì kết quả là rất ít chung cư mini đáp ứng đầy đủ các quy định để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Cũng chính vì thế mà đến thời điểm hiện tại, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chung cư mini trên địa bàn TP Hà Nội vẫn đang bị tắc.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, ngoài các quy định như đã nêu trên, muốn được cấp giấy chứng nhận, tòa nhà cần phải thỏa mãn thêm 2 điều kiện: dưới 6 tầng, tùy vị trí, UBND quận, huyện hoặc Sở Xây dựng sẽ xem xét cấp phép xây dựng; nếu công trình từ 9 tầng trở lên, phải có thêm thỏa thuận về quy hoạch.

Thực tế từ đợt kiểm tra vừa rồi, phần lớn các dự án chung cư mini đã và đang xây dựng hiện nay đều trong tình trạng giấy phép xây dựng một đàng, chủ nhà làm một nẻo và vì thế nên tình trạng không xin được giấy chứng nhận sở hữu trở nên khá phổ biến. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án đều xây dựng trên các diện tích đất nhỏ, trong ngõ sâu, hạ tầng quá tải, chật hẹp. Vi phạm các quy định về an toàn sử dụng nên không đủ điều kiện cấp phép
(Theo CAND)

Tuesday, December 20, 2011

Phần sở hữu chung, riêng trong nhà chung cư

[Tư vấn cấp phép xây dựng] - Khi sở hữu căn hộ chung cư, ít chủ nhà nào xác định thêm phần diện tích nào được quyền sở hữu thêm và sử dụng với mục đích chung. Bài sưu tầm dưới sẽ giúp giải quyết vấn đề này.  


 Hỏi: Các ki-ốt kinh doanh dịch vụ và khu vực để xe là sở hữu riêng, hay sở hữu chung trong nhà chung cư. Đề nghị Chuyên mục giải đáp vấn đề này? (Anh Tú, anhtucica@gmail.com)

Trả lời

1. Phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu đã được quy định tại Điều 70 Luật Nhà ở và hướng dẫn chi tiết tại Điều 49 Nghị định 71/2010/NĐ-CP (ngày 23/06/2010, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở), cụ thể:

Phần sở hữu riêng và các thiết bị sử dụng riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu bao gồm:

a- Phần diện tích bên trong căn hộ (kể cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó) của chủ sở hữu căn hộ; phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư bán cho riêng từng chủ sở hữu căn hộ hoặc bán cho các tổ chức, cá nhân khác;

b- Phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư (chủ đầu tư giữ lại, không bán và cũng không phân bổ giá trị phần diện tích thuộc sở hữu riêng này vào giá bán căn hộ cho các chủ sở hữu căn hộ);

c- Các thiết bị sử dụng riêng trong căn hộ, trong phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ hoặc của các chủ sở hữu khác.

Phần sở hữu chung nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu bao gồm phần diện tích và các thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư gồm:

a- Phần diện tích thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư bao gồm: không gian, hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy, sân thượng, khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, đường thoát hiểm, hệ thống bể phốt, lối đi bộ, sân chơi chung và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của các chủ sở hữu nhà chung cư;

b- Phần diện tích khác không phải là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của các chủ sở hữu nhà chung cư;

c- Nơi để xe (xe đạp, xe cho người tàn tật, xe động cơ hai bánh) được xây dựng theo quy chuẩn xây dựng và có thể bố trí tại tầng hầm hoặc tại tầng một hoặc tại phần diện tích khác trong hoặc ngoài nhà chung cư. Đối với khu vực để xe ô tô thì phải xây dựng theo quy chuẩn xây dựng nhưng do chủ đầu tư quyết định thuộc quyền sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư hoặc thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;

d- Các thiết bị sử dụng chung khác cho nhà chung cư, như: lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào;

đ- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.

Phần diện tích thuộc sở hữu chung quy định trên được dùng để sử dụng chung cho các chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư.

Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung nhà chung cư phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Như vậy, ki-ốt, chỗ để xe ô tô trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng trong trường hợp: Chủ đầu tư bán cho riêng từng chủ sở hữu căn hộ hoặc bán cho các tổ chức, cá nhân khác; hoặc thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư khi chủ đầu tư giữ lại, không bán và cũng không phân bổ giá trị phần diện tích thuộc sở hữu riêng này vào giá bán căn hộ cho các chủ sở hữu căn hộ. Đối với chỗ để xe đạp, xe cho người tàn tật, xe động cơ hai bánh; ki-ốt, chỗ để ô tô trong các trường hợp còn lại sẽ được coi là sở hữu chung nhà chung cư.

LS Phạm Ngọc Minh
(Theo Landtoday)

Sunday, December 18, 2011

5 yếu tố quan tâm khi bán nhà thời khó khăn

[Tư vấn cấp phép xây dưng] - Nếu chủ đầu tư nào cũng tuân thủ được những nguyên tắc dưới đây thì thị trường nhà ở chắc sẽ không đến nỗi quá ảm đạm.

Sự trầm lắng của thị trường bất động sản ở thời điểm hiện nay là một thử thách không nhỏ đối với nhiều chủ đầu tư (CĐT).
Cạnh tranh giữa các dự án, cũng như sự ảnh hưởng từ làn sóng giảm giá đối với phân khúc căn hộ, cộng thêm sự “khôn ngoan” hơn của khách hàng khiến việc bán hàng đã thay đổi rất nhiều so với trước đây.

Vì thế, để có được doanh số bán hàng trung bình mỗi tháng từ 10 - 15 căn hộ sẽ luôn là niềm mơ ước của các CĐT, mặc dù điều đó đã từng là quá khứ. Tuy nhiên, quá khứ vẫn có thể lặp lại ở hiện tại, nếu CĐT biết tuân thủ đúng một số nguyên tắc về bán hàng, trong đó, không thể bỏ qua những yếu tố sau:


- Thứ nhất, để bán được căn hộ, CĐT phải đi đúng hướng ngay từ giai đoạn đầu. Tức là CĐT phải chọn lựa vị trí đất “đắc địa”, có kết nối hạ tầng hoàn chỉnh, nghiên cứu kỹ thị trường để quyết định phân khúc sản phẩm và chính sách giá bán ban đầu.

Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là công tác phân kỳ, đầu tư một cách phù hợp, tránh để lâm vào tình trạng đói vốn, do không bán được hàng, phải giãn tiến độ thi công. Điều này sẽ gây mất niềm tin ở khách hàng.

-Thứ hai, bản chất dự án phải tốt, bởi vì khách hàng không đơn thuần chỉ mua căn hộ để ở mà còn cân nhắc đến nhiều khía cạnh khác, như không gian sống, mảng xanh, tiện ích đi kèm, an ninh, dịch vụ chăm sóc khách hàng và nhất là chất lượng công trình. Tiến độ thi công dự án phải đúng theo cam kết. Vì nếu chỉ cần có sự sơ suất trong khâu quản lý chất lượng, khách hàng sẵn sàng “quay mặt” với CĐT ngay.

- Thứ ba, bộ phận marketing của dự án phải xây dựng được các chiến lược tiếp thị quảng bá dự án, chọn phân khúc khách hàng phù hợp đang có nhu cầu mua căn hộ, và có khả năng tài chính. Bán hàng cần phải có nhiều linh hoạt về chính sách bán hàng, phương thức bán hàng, phương thức thanh toán, rõ ràng minh bạch và công khai với khách hàng trong việc ký kết hợp đồng và các điều khoản bán hàng... Bên cạnh đó, còn phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng.

- Thứ tư, xây dựng và phát triển được một đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, uy tín. Phát triển các mạng lưới liên kết với các công ty, đại lý môi giới phân phối một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không có đội ngũ bán hàng riêng thì việc chọn lựa đại lý phân phối sẽ đóng vai trò quyết định sự thành bại trong việc bán hàng của một dự án căn hộ.

- Và cuối cùng là xây dựng một hệ thống chăm sóc, liên lạc với khách hàng một cách hiệu quả nhất. Điều này không chỉ giúp CĐT cập nhật thông tin của dự án cho khách hàng thường xuyên hơn, mà còn được lắng nghe ý kiến, yêu cầu từ phía khách hàng, nhằm khắc phục kịp thời và hoàn thiện hơn trong việc bán và chăm sóc khách hàng.

Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Công ty TNHH Căn hộ Vườn phố Việt Nam
(Theo DNSG)

Tuesday, December 13, 2011

Những khoản chi phí phải đóng khi cấp sổ hồng

 [Tư vấn cấp phép xây dưng] - Đóng tiền cũng phải có kiến thức để biết được mình đã đóng chưa? cần đóng nữa không và đóng những khoản nào.
Hỏi: Tôi cư ngụ ở phường Bình Khánh, Long Xuyên, An Giang, nhà ở khu dân cư, rộng 68m2, một trệt một lầu. Hiện tôi đang làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho nhà.
Xin hỏi, ngoài phí giá trị nhà và đất, tôi còn phải đóng phí hay lệ phí gì nữa không? Mong được tư vấn. Cảm ơn. kim nguyen (nguyenkim1801@... )

Trả lời

Do trong thư bạn cung cấp quá ít thông tin, ví dụ đất xin cấp sổ hồng thuộc trường hợp nào (do nhận chuyển nhượng hoặc được Nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất…), đất trước đó đã được cấp sổ đỏ hay chưa, thời điểm bắt đầu sử dụng đất, mục đích sử dụng đất hiện tại, nhà xây có phép hay không phép… nên tôi không thể đưa ra tư vấn chính xác cho trường hợp của bạn.

Do vậy, tôi tạm chia ra một số trường hợp như sau:

1. Trường hợp bạn đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch, nhà được xây dựng trước ngày 1-7-2006 hoặc không thuộc trường hợp phải có giấy phép xây dựng, nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận, căn cứ điều 50 Luật Đất đai, bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận và thực hiện nghĩa vụ tài chính như sau:

a) Bạn không phải nộp tiền sử dụng đất nếu được UBND phường xác nhận đất không có tranh chấp, và có một trong các loại giấy tờ được quy định tại khoản 1, 2 điều 50 Luật Đất đai.

b) Trường hợp bạn không có các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 điều 50 Luật Đất đai, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, nay được UBND phường xác nhận đất không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất.

c) Trường hợp bạn sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật đất đai hiện hành có hiệu lực), nay được UBND phường xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận và phải nộp tiền sử dụng đất bằng 50% giá đất theo bảng giá đất do UBND tỉnh An Giang ban hành và có hiệu lực tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận (điểm a khoản 1 điều 15 nghị định 84/2007/NĐ-CP).

(Trường hợp bạn sử dụng đất sau ngày 1-7-2004 mà đất chưa được cấp sổ đỏ, bạn sẽ không được công nhận quyền sử dụng đất. Đối với căn nhà, trường hợp nhà xây sau ngày 1-7-2006 và thuộc trường hợp phải có giấy phép xây dựng mà không có giấy phép xây dựng thì không được công nhận quyền sở hữu nhà ở).

2) Trường hợp bạn nhận chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, bạn được cấp sổ hồng và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Khi được cấp giấy chứng nhận theo quy định tại mục 1 hoặc 2 như nói trên, bạn phải nộp lệ phí trước bạ bằng 0,5% giá trị nhà đất theo giá do UBND tỉnh An Giang ban hành (điều 6, khoản 1, điều 7 nghị định 45/2011/NĐ-CP).

3) Trường hợp đất của bạn đã được cấp sổ đỏ hoặc sổ hồng, nay bạn xây dựng nhà mới, khi làm thủ tục xin công nhận quyền sở hữu đối với căn nhà mới thì bạn không phải nộp tiền sử dụng đất và không phải nộp lệ phí trước bạ (công văn 941/BTC-TCT ngày 19/01/2011 của Bộ Tài chính).

Vài ý để bạn tham khảo.

Luật sư NguyễnVănHậu
(Theo TTO)

Sunday, December 11, 2011

Lật tẩy những mánh lừa bán đất dự án

[Tu van cap phep xay dung] - Với cách ăn nói khéo léo cùng với những giấy tờ làm giả "như thật" những "giám đóc", "môi giới bất động sản" đã lừa được hàng trăm tỉ đồng. Bài viết sẽ hữu ích hơn nhiều nếu hướng dẫn người dân cách phân biệt những giấy tờ "thật" và "giả". 

Gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra hàng chục vụ lừa đảo bán đất dự án của các trùm bất động sản ảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Cơ quan công an đã vào cuộc và lật tẩy hàng loạt mánh khoé lừa đảo.
Có trong tay hợp đồng góp vốn và phiếu thu giả, các đối tượng đã lừa bán hàng chục lô đất liền kề tại khu đô thị Vân Canh (H.Hoài Đức) do Công ty Cổ phần Tasco làm chủ đầu tư,
chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng

Tự lập công ty, vẽ dự án… “ma” để bán đất

Cho đến ngày 15/11 vừa qua, dù phải ra trước vòng móng ngựa, có lẽ Lê Hồng Bàng, Tổng giám đốc Công ty Sàn bất động sản Việt Nam vẫn không ngờ mình bị cơ quan công an bắt và khởi tố. Tại phiên tòa, Bàng vẫn khăng khăng khẳng định, nếu được tha sẽ tiếp tục thực hiện các dự án.

Mặc dù, công ty không có khả năng tài chính, chức năng đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để kinh doanh, tuy nhiên, từ tháng 3 - 7/2009, Bàng cùng với Hoàng Văn Cường (Giám đốc công ty Cường Thịnh) và Hà Tuấn Linh (Giám đốc công ty Hoàng Hà) đã "vẽ" lên 4 dự án bất động sản thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.

Nhóm Bàng - Cường - Linh tự đặt tên các dự án là 683, Lộc Hòa, Cửu Long, Phương Đông, thuê thiết kế dự án. Sàn bất động sản Việt Nam, Công ty Cường Thịnh, Hoàng Hà nhận là chủ đầu tư 4 dự án trên.

Bàng sau đó rao bán nhà tại các dự án này, trực tiếp giới thiệu và cam kết tính khả thi để người mua tin tưởng, giao tiền dưới hình thức "hợp đồng vay vốn" để đăng ký mua căn hộ.

Trong 4 tháng, Bàng đã thu tiền, chiếm đoạt của gần 400 người với số tiền hơn 346 tỷ đồng. Trong số này, Bàng chuyển cho Cường gần 166 tỷ đồng, Linh 54 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Bàng đã khắc phục được tiền cho 131 người, còn hơn 202 tỷ đồng chưa có khả năng thanh toán.

Tại phiên xử hôm 16/11vừa qua, Bàng cho rằng nếu được tha sẽ tiếp tục thực hiện các dự án. Tuy nhiên, HĐXX khẳng định, bị cáo không được các ngành chức năng cấp đất cho các dự án trên. Bị cáo không có căn cứ pháp lý chứng minh đất của 4 dự án đó là của mình.

Không chỉ có vụ của Bàng và đồng bọn, trong thời gian qua, cơ quan CSĐT cũng đã lật tẩy hàng loạt các vụ lừa bán bất động sản tương tự. Vụ Nguyễn Sỹ Quyết (tức Nguyễn Sĩ Điều), Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Kinh Đô ôm 63 tỷ đồng bỏ trốn; vụ Nguyễn Hữu Trọng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam cùng đồng phạm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng trong việc bán nhà chia lô tại “Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG”… điểm chung của những vụ án lừa đảo táo tợn này là các đối tượng đã tự thành lập công ty, tự đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch HĐQT, giám đốc rồi vẽ các dự án “ma” và rao bán.

Trong vụ án Nguyễn Hữu Trọng và dự án “ma” mang tên “Dự án nhà ở dân cư chất lượng cao Galatic BSG”; địa chỉ lô đất C12-1 khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) vốn thuộc quyền sử dụng của một doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của một “đàn chị” chuyên lừa đảo là Nguyễn Nha Trang - một trùm lừa đảo bất động sản vừa được cơ quan CSĐT Công an Hà Nội tạm tha, Trọng đã lừa được rất nhiều đối tượng.

Trong lần đi “khảo sát thị trường”, Trang và Trọng nhận thấy khu đất có vị trí đẹp, đã nảy sinh ý đồ lừa đảo các đối tượng này đã vẽ lên dự án bằng việc “chế” giấy tờ giả gồm các quyết định của UBND TP Hà Nội về việc cho phép Công ty CP Thương mại quốc tế Galaxy BSG Việt Nam được sử dụng chính thức 5.127m2 đất tại ô đất C12-/ĐX1 khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở dân cư chất lượng cao; quyết định ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết khu nhà ở dân cư tiêu chuẩn cao tỷ lệ 1/500; biên bản bàn giao đất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội...

Rất tinh quái, những văn bản giả mạo này được các đối tượng dùng con dấu giả, chữ ký giả trực tiếp lên bản photocopy có nội dung giả mạo để lừa đảo. Chỉ trong chưa đầy một tháng, các đối tượng đã bán được 8 lô đất “ảo” với số tiền đặt cọc lên đến gần 30 tỷ đồng…

Những mánh lừa bán đất dự án bị lật tẩy | ảnh 2
Bản vẽ quy hoạch dự án "ma" để lừa khách hàng

Sự thật của cái gọi là … “suất đất ngoại giao”

Đọc được trên mạng nhan nhãn người giao bán các suất đất ngoại giao, Hà Anh Tuấn, 29 tuổi, Phú Thọ với chiêu thức làm giả giấy tờ có thể mua suất đất "ngoại giao" ở khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức (Hà Nội) với giá rẻ đã dễ dàng chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng của 9 nạn nhân. Qua các mối quan hệ quen thân, Tuấn có thông tin về dự án khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức (do Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng HUD1 là chủ đầu tư).

Anh ta soạn thảo các văn bản trong đó có việc HUD1 bán đất "ngoại giao" ở khu đô thị Vân Canh cho một tổng công ty. Hình dấu và chữ ký của lãnh đạo công ty HUD1, Tổng công ty HUD được Tuấn photo lại từ những văn bản có thật khác rồi ghép vào văn bản giả.

Để lừa được nhiều người mua, Tuấn đưa văn bản giả trên cho những người môi giới bất động sản, hứa sẽ chi hoa hồng cao. Tin tưởng những giấy tờ Tuấn đưa ra là có thật, chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều người đã mắc bẫy. Ngày 6/8, Tuấn bị Công an Hà Nội đã bắt giữ khi đang lẩn trốn tại Phú Thọ.

Làm giả con dấu, chữ ký của các cơ quan chức năng…để lừa

Trong muôn vàn chiêu lừa bán dự án bất động sản của các trùm bất động sản ảo thì chiêu làm giả con dấu, chữ ký của các cơ quan chức năng cũng được khá nhiều đối tượng áp dụng.

Mới đây, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã tống đạt kết luận điều tra vụ án làm giả con dấu, chữ ký của TGĐ Công ty TASCO để lừa đảo, bán đất dự án tại khu đô thị mới Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Với chiêu làm giả con dấu, chữ ký để lừa bán đất dự án, hai “kiều nữ” đã lừa của các bị hại với số tiền lên tới hơn 42 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, từ tháng 7/2010, Đặng Thị Kim Dung (trú P. Phương Liệt, Q. Thanh Xuân, nguyên cán bộ Hiệp hội XNK thủy sản VN) đã bán 2 lô đất tại dự án khu đô thị mới Vân Canh cho vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Anh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đồng thời Dung nhờ anh Tuấn Anh tìm người mua để Dung bán tiếp 10 lô đất cũng nằm trong dự án này. Dung cho biết đây là số đất của ông Lâm, mua của Công ty TASCO nhờ bán. Nếu bán được, anh Tuấn Anh sẽ được hưởng phần môi giới.

Với tài ăn nói khôn khéo, Dung quen và bán tiếp 10 lô đất cho chị Nguyễn Thị Thành (ở quận Thanh Xuân), do không đủ tiền nên chị Thành bán lại cho chị Hoàng Phương Thảo (trú huyện Từ Liêm, Hà Nội). Chị Thảo đã trả cho chị Thành 34 tỷ đồng. Nhưng khi cầm hợp đồng góp vốn giữa ông Lâm với Công ty TASCO và phiếu thu tiền của Công ty TASCO, chị Thảo phát hiện ra toàn là giấy tờ giả nên đã trình báo với cơ quan công an.

Sau khi xem xét kỹ số giấy tờ giả trên, cơ quan công an mời Dung lên làm việc. Theo lời khai của Đặng Thị Kim Dung thì Dung đưa cho Đặng Thị Thiên Hương (trú P. Khâm Thiên, Q. Đống Đa, Hà Nội, họa sĩ thiết kế) hợp đồng và phiếu thu của Công ty TASCO được photo đen trắng, rồi nhờ Hương chuyển từ dấu mực đen sang dấu mực màu đỏ để ghép vào các giấy tờ nhà đất nhằm lừa đảo người mua. Khi làm xong giấy tờ, Dung trả cho Hương 300 triệu đồng (số tiền này đã được chồng bị can Hương nộp lại cơ quan điều tra).

Khi có được bộ giấy tờ giả, Dung đã lừa bán cho chị Nguyễn Thị Thành và anh Nguyễn Tuấn Anh, chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã thu được 29 tỷ đồng, còn hơn 13 tỷ đồng Dung chiếm đoạt chưa thu hồi được.
(Theo VnMedia)
Tựa gốc: "Những mánh lừa bán đất dự án bị lật tẩy"
Sưu tầm: masgroup

Friday, December 9, 2011

Cảnh giác với sổ đỏ giả thời công nghệ

[Tư vấn cấp phép xây dựng ] - Ngày nay với sự trợ giúp của kỹ thuật, những hành vi lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi hơn, khó nhận biết hơn. Ngay cả những người có chuyên môn đôi khi cũng bị "mắc bẩy".
Những "chuyên gia" làm giả dùng "sổ đỏ" thật scan để lấy bản mẫu, rồi đưa lên máy tính xử lý chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp "sổ đỏ". Máy in phun màu sẽ "giúp" các đối tượng hoàn tất khâu cuối cùng.

Khi các chuyên gia giám định tài liệu của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội đưa ra 2 cuốn "sổ đỏ", lật đi lật lại, tôi cũng khó nhận ra đâu là sổ thật, đâu là sổ giả. Với công nghệ ngày càng hiện đại thì những giấy tờ giả do các đối tượng tội phạm sản xuất ngày càng tinh xảo và đã qua mặt không ít cơ quan Nhà nước…

Tại địa bàn Hà Nội, thống kê của Phòng Kỹ thuật hình sự, từ đầu năm 2008 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận từ Công an các quận, huyện, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP hàng trăm vụ việc liên quan đến "sổ đỏ", trong đó qua giám định đã phát hiện được 7 vụ sử dụng "sổ đỏ" giả để lừa đảo.

Điển hình như vụ Vũ Quốc Hội (33 tuổi) ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, cùng một số đối tượng khác làm giả sổ đỏ một mảnh đất tại Thanh Trì, sau đó mang đến phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền thế chấp vay vốn ngân hàng thì bị phát hiện. Công an huyện Thanh Trì khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý.

Thời gian gần đây, khi việc thế chấp "sổ đỏ" để vay tiền ngân hàng đã được siết chặt hơn thì các đối tượng chuyển hướng dùng "sổ đỏ" để thế chấp các cá nhân, các hiệu cầm đồ, thế chấp thuê ôtô rồi mang đi cầm cố ở nơi khác.

Trước đây, Công an huyện Từ Liêm đã thụ lý vụ Phan Gia Huy ở đường Láng, Đống Đa dùng một cuốn "sổ đỏ" giả để thế chấp thuê xe ôtô Innova của chị Nguyễn Mai Hương ở Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm. Chủ xe thì giữ gìn quyển sổ đó rất cẩn thận. Đến lúc không thấy người thuê xe quay lại, trình báo cơ quan Công an mới biết cuốn "sổ đỏ" mình đang giữ chỉ là giả.

Giám định các "sổ đỏ" giả trên cho thấy sổ giả có hình thức và màu sắc không khác sổ thật, khó mà phân biệt bằng mắt thường.

Cảnh giác với "sổ đỏ” giả thời công nghệ cao | ảnh 1
Nhận biết thật - giả qua chi tiết hình quốc huy in trên sổ đỏ: Bản in phun màu (trái), bản in ofset (phải).

Trước đây, các đối tượng làm giả "sổ đỏ" dùng thủ đoạn tẩy nội dung trên "sổ đỏ" thật để điền nội dung mới, hoặc móc nối với những cán bộ địa chính thoái hoá để mua bản phôi "sổ đỏ" thật, sau đó in nội dung mới lên.

Hiện nay, trước sự phát triển của công nghệ số và sự tiện lợi, phổ biến của các loại máy móc kỹ thuật số, việc làm giả giấy tờ, trong đó có "sổ đỏ" được các đối tượng xấu thực hiện đơn giản hơn rất nhiều. Các đối tượng dùng "sổ đỏ" thật scan để lấy bản mẫu, sau đó đưa lên máy tính xử lý chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp "sổ đỏ". Máy in phun màu sẽ "giúp" các đối tượng hoàn tất khâu cuối cùng - in "phiên bản" của "sổ đỏ" thật trên chất liệu giấy bìa cứng.

Với thủ đoạn làm giả "sổ đỏ" kiểu này, các đối tượng chỉ cần ngồi nhà hô "biến" để trở thành chủ mảnh đất bất cứ nơi nào chúng muốn nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Hiện nay, ngoài các giao dịch sử dụng "sổ đỏ" được cơ quan có thẩm quyền công nhận, rất nhiều giao dịch dân sự khác đang được các cá nhân dùng "sổ đỏ" làm tài sản tín chấp, thế chấp để vay mượn với những khoản vay lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Trước thủ đoạn mới của tội phạm làm "sổ đỏ" giả, cơ quan giám định kỹ thuật hình sự khuyến cáo các tổ chức và cá nhân khi nhận "sổ đỏ" cho vay, nên thông qua các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là cơ quan giám định để xác định độ tin cậy của các loại giấy tờ này, phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng hoạt động lừa đảo

(Theo CAND)

Tuesday, December 6, 2011

Xây sai nội dung giấy phép, xử lý thế nào?

[Tuvancapphepxaydung] - Câu hỏi trong bài này liên quan đến vấn đề giấy phép xây dựng. Nếu xây nhà sai quy cách so với xin phép sẽ bị xử lý thế nào.

Hỏi: Tôi vừa xây 45 phòng trọ, đúc 3 tầng, mỗi tầng 15 phòng, diện tích 12m2/phòng có gác lửng khoảng 8m2.
Lúc tôi xây thì không có cán bộ trật tự đô thị đi kiểm tra, nhưng sau khi xây xong và đã cho sinh viên ở rồi thì họ vào kiểm tra và nói không được làm gác lửng.

Hiện họ bắt tôi phải dỡ bỏ toàn bộ 45 gác lửng. Xin hỏi, có cách nào để tôi có thể giữ lại các gác lửng này không. Xin cảm ơn.

 Ngoc Hung (nguyenngochung1983@... )
-Trả lời:

Thông thường việc xây dựng nhà ở phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xây dựng (phải có giấy phép xây dựng). Đối với khu vực, công trình phải có giấy phép xây dựng thì mọi hành vi xây dựng không phép hoặc sai phép phải bị xử lý vi phạm và buộc tháo dỡ.

Theo thư của ông trình bày, tôi hiểu phần diện tích gác lửng 8m2 trong mỗi phòng trọ là không được thể hiện trong giấy phép xây dựng. Do vậy, phần diện tích gác lửng 8m2 trong mỗi phòng trọ là phần xây dựng sai phép.

Việc cơ quan chức năng yêu cầu ông phá dỡ toàn bộ phần gác lửng xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng là đúng theo quy định tại khoản 1, điều 13, nghị định 180/2007/NĐ-CP.

Ngoài ra, ông còn bị phạt tiền đối với việc xây dựng nhà sai giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 1, điều 11, nghị định 23/2009/NĐ-CP: “Phạt tiền đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp có thẩm quyền cấp".

Trân trọng chào ông.

LS HUỲNH VĂN NÔNG
(Theo Tuổi Trẻ)

Monday, December 5, 2011

Xin giấy phép xây dựng khi chưa có chủ quyền

[ Tu van cap phep xay dung] - Trong thời gian tới Masgroup sẽ mở thêm chuyên mục hỏi đáp. Những thắc mắc liên quan đến những vấn đề xây dựng, mua bán, sữa chữa, chủ quyền nhà đất sẽ được sưu tầm và gửi đến các bạn. Những thắc mắc của các bạn đọc có thể để lại ở phần comment. Chúng tôi sẽ cố gắng giải đáp trong khoảng thời gian ngắn nhất. 

Hỏi: Năm 2001 tôi có mua một mảnh đất nhỏ diện tích khoảng 25m2 (3,3mx7m) hẻm rộng 4m tại phường Phước Long B, quận 9 (TP.HCM) bằng giấy tay và có xây một căn nhà cấp 4 ở cho đến nay.
Tôi đã xin được số nhà và có đóng thuế đất hằng năm, ngoài ra không có giấy tờ nào khác.

Nay con tôi đã lớn, không đủ chỗ ở, nhà bị xuống cấp nặng nên tôi muốn xây lại, dự định xây nhà một trệt một lầu. Nhưng theo tôi được biết, trường hợp của tôi không thể xin giấy phép xây dựng và diện tích đất cũng không đủ điều kiện để làm giấy tờ theo luật mới?


Xin hỏi: tôi có thể xây nhà mới trên mảnh đất đó được không?

 

(CANARY1679@...)

- Trả lời:


Về xây dựng nhà chưa có chủ quyền:


Căn cứ Điều 7 QĐ số 04/2006/QĐ-UBND ngày 17-1-2006 của UBND TP, khi lập hồ sơ xin giấy phép xây dựng, chủ nhà phải có những giấy tờ hợp lệ về nhà ở và đất ở.


The thư trình bày, căn nhà của ông/bà mua vào năm 2001, theo những giấy tờ hiện nay ông đang có thì chưa phải là những giấy tờ hợp lệ về nhà ở. Do đó, trước khi xin giấy phép xây dựng, ông phải lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cho căn nhà nêu trên.


Trong trường hợp căn nhà trên là nhà ở riêng lẻ nằm trong khu dân cư hiện hữu, sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, hiện phù hợp với quy hoạch xây dựng làm nhà ở và chủ nhà phải làm giấy cam kết ranh giới thửa đất không có tranh chấp và được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận, thì tuy căn nhà không có các giấy tờ hợp lệ về nhà đất vẫn được xem xét cấp giấy phép xây dựng.


Về diện tích tối thiểu khi xây dựng:


Căn cứ điểm b 2.2, khoản 2, điều 6 QĐ 135/2007/QĐ-UBND ngày 8-12-2007 của UBND TP, đối với lô đấy có diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2 có vi trí trong hẻm, nhà có chiều rộng từ 3m trở lên thì được phép cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hay xây dựng mới tối đa ba tầng (có thể bố trí tầng lửng tại tầng trệt và mái che cầu thang sân thượng), chiều cao tối đa không quá 15,6m.


Theo thư trình bày, căn nhà của ông có diện tích 23,76m2, chiều ngang 3,3m, chiều dài 7,2m. Căn cứ quyết định nêu trên thì ông được phép sửa chữa, cải tạo hay xây mới tối đa ba tầng, chiều cao tối đa 15,6m


Ông có thể liên hệ với UBND phường để biết thủ tục chi tiết việc xin cấp phép xây dựng

 

LS PHẠM ĐÌNH SƠN
Theo Tuổi trẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | 100 Web Hosting